Ung thư dạ dày là bệnh bắt đầu khi các tế bào bất thường trong dạ dày phát triển mất kiểm soát. Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh, trong đó, hoá trị ung thư dạ dày được bác sĩ chỉ định thực hiện trước/sau khi phẫu thuật hoặc chữa trị đơn lẻ. Dưới đây là những thông tin chi tiết về phương pháp điều trị bệnh này!
Hoá trị ung thư dạ dày là gì?
Hoá trị liệu là phương pháp điều trị ung thư dạ dày bằng cách sử dụng các loại thuốc chống ung thư. Các loại thuốc hóa trị này đi theo đường máu để đến tất cả các khu vực trên cơ thể và tiêu diệt tế bào ung thư mà nó phát hiện ra. Do đó, hoá trị liệu thường được dùng cho ung thư giai đoạn di căn đến các cơ quan bên ngoài hoặc hạch bạch huyết lân cận.
Có 2 phương pháp hoá trị ung thư dạ dày thường được sử dụng như sau:
- Tiêm tĩnh mạch thông qua một ống thông ngắn, mỏng đi vào tĩnh mạch ở cánh tay trong mỗi lần điều trị hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch lớn trong ngực của người bệnh. Trong suốt quá trình này, ống dẫn này sẽ được giữ nguyên.
- Uống dưới dạng thuốc viên: có thể uống trước hoặc sau khi ăn. Bác sĩ sẽ kê đơn và cho người bệnh sử dụng đúng liều lượng cần thiết để loại bỏ tế bào ung thư dạ dày.
Khi nào cần thực hiện hoá trị ung thư dạ dày?
Liệu pháp hoá trị ung thư dạ dày thường được bác sĩ chỉ định sử dụng vào nhiều thời điểm khác nhau để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh đạt kết quả tối ưu nhất. Cụ thể như sau:
- Hoá trị trước khi phẫu thuật ung thư dạ dày (hoá trị tân bổ trợ): có tác dụng làm thu nhỏ khối u ung thư để thực hiện phẫu thuật loại bỏ dễ dàng hơn.
- Hoá trị sau phẫu thuật (hoá trị bổ trợ): giúp tiêu diệt các vùng ung thư nào có thể còn sót lại sau phẫu thuật hoặc có kích thước quá nhỏ không thể cắt bỏ. Liệu pháp này giúp ngăn ngừa ung thư tái phát và giúp người bệnh có thể sống được lâu hơn.
- Hoá trị có thể được sử dụng như là phương pháp điều trị chính nếu ung thư dạ dày đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể hoặc khối u không thể loại bỏ bằng các phương pháp khác. Hoá trị có thể giúp thu nhỏ kích thước, làm chậm lại sự phát triển của khối u, giảm các triệu chứng bệnh và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Các loại thuốc được sử dụng trong hoá trị ung thư dạ dày
Hoá trị ung thư dạ dày thường được thực hiện theo chu kỳ kéo dài trong khoảng 2 đến 3 tuần/lần và bệnh nhân sẽ có thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi sau mỗi đợt hoá trị. Có nhiều loại thuốc hóa trị khác nhau thường được sử dụng để điều trị ung thư dạ dày, cụ thể như sau:
- 5-FU (Fluorouracil): thường được dùng chung với Leucovorin (Axit Folinic).
- Capecitabine.
- Carboplatin.
- Cisplatin.
- Docetaxel.
- Epirubicin.
- Irinotecan.
- Oxaliplatin.
- Paclitaxel.
- Trifluridine và Tipiracil (Lonsurf) (thuốc viên).
Thông thường, một đợt hoá trị thường được kết hợp 2 – 3 loại thuốc với nhau phụ thuộc vào các yếu tố như giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể và hoá trị có được điều trị cùng với xạ trị ung thư dạ dày hay không. Chỉ những bệnh nhân có sức khỏe tốt mới có thể được hoá trị các loại thuốc này và cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
Hoá trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Với ung thư dạ dày giai đoạn cuối, hoá trị liệu được thường được chỉ định để điều trị trong trường hợp sức khoẻ của người bệnh đủ khoẻ. Trong thời kỳ này, hoá trị có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh như khó nuốt, xuất huyết dạ dày, đau bụng, phân sẫm màu, khó tiêu,… Đồng thời, hoá trị có thể giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh và kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư.
Đối với hoá trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, bác sĩ thường kết hợp 2 loại thuốc với nhau để làm giảm tối đa các tác dụng phụ có thể xảy ra. Cụ thể như sau:
- Nếu người bệnh không đủ sức khỏe để kết hợp nhiều loại thuốc hóa trị ung thư dạ dày, họ có thể được sử dụng một loại thuốc đơn lẻ như 5-FU, capecitabine, docetaxel hoặc paclitaxel thay thế.
- Nếu một loại thuốc không có tác dụng loại bỏ hoặc làm chậm lại sự phát triển của ung thư, bác sĩ có thể thử một loại thuốc khác hoặc kết hợp nhiều loại thuốc.
Tác dụng phụ của phương pháp hoá trị ung thư dạ dày
Các loại thuốc hoá trị có thể tấn công các tế bào đang phân chia nhanh chóng, bao gồm cả tế bào ung thư và các tế bào bình thường khác. Vì vậy mà liệu pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Ăn mất ngon hoặc chán ăn, khẩu vị thay đổi.
- Rụng tóc nghiêm trọng.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Lở miệng.
- Tăng khả năng nhiễm trùng (do thiếu hụt các tế bào bạch cầu).
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím (do thiếu tiểu cầu).
- Mệt mỏi và khó thở (do sự thiếu hụt của các tế bào hồng cầu).
Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi điều trị hoá trị liệu kết thúc. Bên cạnh đó, các tác hại còn phụ thuộc vào loại và liều lượng thuốc hoá trị ung thư dạ dày được sử dụng và thời gian điều trị của người bệnh như sau:
- Tổn thương dây thần kinh: gây ra bởi các loại thuốc Cisplatin, oxaliplatin, docetaxel và paclitaxel. Điều này khiến người bệnh gặp các triệu chứng (chủ yếu ở bàn tay và bàn chân) như đau, bỏng rát, ngứa ran, nhạy cảm với lạnh/nóng hoặc suy nhược cơ thể. Oxaliplatin cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh trong cổ họng và gây đau họng trầm trọng khi ăn hoặc uống đồ lạnh.
- Epirubicin và một số loại thuốc khác có thể gây hại cho tim nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc với liều lượng cao. Vì lý do này, các bác sĩ kiểm soát một cách cẩn thận về liều lượng cũng như tiến hành thêm các xét nghiệm tim chẳng hạn như siêu âm hoặc quét MUGA để theo dõi chức năng tim. Việc điều trị bằng những loại thuốc này bị dừng lại khi có dấu hiệu tổn thương tim đầu tiên.
- Hội chứng tay chân miệng có thể xảy ra trong khi điều trị bằng capecitabine hoặc 5-FU (qua tiêm truyền). Hiện tượng này bắt đầu là mẩn đỏ ở bàn tay và bàn chân, sau đó có thể tiến triển thành đau và nhạy cảm ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Nếu tình trạng này nặng hơn, người bệnh có thể bị chai sần, phồng rộp, bong tróc da, thậm chí là vết loét đau đớn.
- Tiêu chảy: là một tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc hóa trị ung thư dạ dày, nhưng với thuốc irinotecan, hiện tượng này cần được điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa tình trạng mất nước nghiêm trọng.
Hoá trị ung thư dạ dày giúp loại bỏ các tế bào ung thư, làm chậm và ngăn cản sự phát triển, tái phát của chúng. Tuy nhiên liệu pháp này có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Do đó, khi nhận thấy tác hại bất thường nào hoặc chúng trở nên nghiêm trọng hơn, hãy trao đổi với bác sĩ để có giải pháp như dùng thuốc giảm đau hoặc hạ liều lượng thuốc hoá trị,…
- Tiến sĩ, Lương y quốc gia Ngô Đức Vượng
- Nguyên Giảng viên Đại học Đà Lạt, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Là một nhà khoa học chân chính, một lương y giàu kinh nghiệm,
- Ông đã từng tự chữa bệnh ung thư cho mình
- Cứu chữa cho rất nhiều trường hợp bệnh viện trả về, giúp bệnh nhân tìm lại sự cân bằng sức khỏe.
- Đã xuất bản rất nhiều cuốn sách viết về tôn giáo, vũ trụ, năng lượng sinh học, các vấn đề về tinh thần
- Soạn 4 giáo trình và chuyên đề giảng dạy tại trường ĐHQG Hà Nội
- Liên tục là lao động tiên tiến
- Huy chương vàng thành tích nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất
- Tiến sĩ, lương y quốc gia Ngô Đức Vượng là cố vấn chuyên môn thông tin truyền tải trên website Cẩm Nang Ung Thư